Xử trí đau họng khi bị Covid-19?

Từ ngày 20/10/2023, theo quyết định số 3896/QĐ-BYT của Bộ Y tế, Covid-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B, thay vì bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm ở nhóm A như trước đó. Mặc dù ở thời điểm hiện tại, số ca nhiễm covid không còn ở mức đáng báo động nhưng trong cộng đồng vẫn còn xuất hiện những hợp nhiễm bệnh. Đau họng là một trong những triệu chứng thường gặp khi người bệnh mắc covid. Cùng tìm hiểu về cách xử trí đau họng khi bị Covid-19 qua bài viết sau đây.

1. Người bệnh bị đau họng khi mắc Covid-19

Trong số những ca nhiễm Covid-19, đau họng là triệu chứng được mô tả phổ biến ở cả ba chùng bệnh được biết đến tại việt nam, bao gồm: chủng alpha, chủng delta và chủng omicron.

Đau họng khiến cho người bệnh thường có cảm giác khó chịu, khô miệng, đau khi nuốt, nghiêm trọng hơn là tác động tiêu cực và làm gián đoạn giấc ngủ. Ngoài triệu chứng đau họng, người bệnh mắc Covid-19 còn có thêm các biểu hiện như sốt, ho khan, mệt mỏi, đau đầu, tiêu chảy, khó thở, đau cơ,…

Tuy nhiên, đau họng khi bị Covid-19 có thể bị nhầm lẫn với đau họng xuất hiện trong những trường hợp khác như: cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng, viêm amidan,…hoặc một số bệnh lý đường tiêu hóa như: trào ngược dạ dày thực quản,…

Do đó, để xác định người bệnh bị đau họng có phải do nhiễm Covid-19 hay không, bạn có thể sử dụng kit test nhanh Covid-19 hoặc xét nghiệm PCR để có câu trả lời chính xác.

2. Cách xử trí đau họng khi bị Covid-19

2.1 Chế độ ăn uống và sinh hoạt

  • Để hạn chế lây nhiễm, người bệnh nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những người xung quanh, sát khuẩn, vệ sinh đồ dùng cá nhân thường xuyên.
  • Sử dụng các loại thực phẩm nấu chín, mềm và có thể chia nhiều bữa nhỏ trong ngày. 
  • Không sử dụng các loại thực phẩm cay, quá nóng hoặc đồ uống lạnh.
  • Hạn chế tiếp xúc với môi trường có chứa nhiều tác nhân kích thích như khói bụi, khói thuốc lá,…
  • Tạo độ ẩm và làm sạch cho môi trường sinh hoạt bằng các loại máy tạo độ ẩm, máy lọc không khí.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

2.2 Một số cách trị đau họng đơn giản không dùng thuốc

  • Nước muối: Trong nước muối chứa thành phần natri clorid giúp làm sạch và hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Nên sử dụng nước muối để súc miệng họng 2-3 lần/ngày.
  • Hỗn hợp mật ong và gừng: 
  • Trong mật ong chứa nhiều thành phần như acid amin, vitamin, khoáng chất, polyphenol, flavonoid,…có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và kháng khuẩn. Đồng thời, các thành phần như: gingerols, shogaols, tinh dầu,… trong gừng cũng có tác dụng tương tự như mật ong. Kết hợp hai thành phần này giúp giảm đau, giảm sưng và làm dịu nhanh cổ họng. 
  • Pha hỗn hợp mật ong và gừng trong nước ấm, sử dụng nhiều lần trong ngày.
  • Hỗn hợp mật ong và chanh:
  • Chanh chứa nhiều vitamin C, acid citric,… có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm. Trong dân gian, các bà các mẹ vẫn thường sử dụng chanh ngâm cùng mật ong giúp thanh nhiệt tiêu đờm trong những trường hợp họ, đau họng.
  • Nếu không có mật ong và chanh ngâm sẵn, thì bạn có thể sử dụng một vài lát chanh cùng với một thìa cà phê mật ong, hòa tan trong nước ấm. Có thể sử dụng hỗn hợp này nhiều lần trong ngày.
  • Xịt họng chứa thành phần tự nhiên: 
  • Thành phần từ tự nhiên như: keo ong, cúc la mã, tinh dầu húng chanh,… đã được chứng minh có tác dụng làm giảm đau rát họng, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Đóng gói dạng xịt họng giúp người bệnh có thể dễ dàng sử dụng, thuận tiện đem theo khi phải đi lại di chuyển. Một số loại xịt họng được tin dùng như: Xịt họng keo ong Propobee, Xịt họng thảo dược Eugica,…

2.2 Các thuốc trị đau họng

  • Viên ngậm: Các loại viên ngậm có chứa thành phần như: 2,4-dichlorobenzyl alcohol (dybenal), amylmetacresol, tyrothricin, benzalkonium, benzocaine,…có tác dụng kháng khuẩn, giảm đau họng. Thông thường, các loại viên ngậm này có thể ngậm 1-2 viên/lần, mỗi lần cách nhau 2-3 giờ.
  • Thuốc xịt họng: Các hoạt chất giảm đau giảm viêm tại chỗ trong các thuốc xịt họng được biết đến như: β-glycyrrhetinic acid, dequalinium clorid, tyrothricin, hydrocortisone acetate, lidocaine HCl,… Liều dùng thường được khuyến cáo là một xịt cho mỗi sáu giờ.
  • Thuốc súc họng: Thành phần thường gặp như Chlorhexidine, eucalyptol, menthol và methyl salicylate, povidone-iodine,…có tác dụng giảm viêm, dịu cơn đau chứa trong các loại thuốc súc họng. Thông thường, thuốc súc họng có thể sử dụng 2-3 lần/ngày.
  • Thuốc uống có tác dụng giảm đau, hạ sốt: Paracetamol được xem là lựa chọn an toàn trong tình huống giảm đau, hạ sốt khi nhiễm Covid-19. Mỗi lần uống cách nhau từ 4 đến 6 tiếng.

 

Mỗi dược chất trong thuốc có tác dụng điều trị, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng không mong muốn nếu như không được sử dụng hợp lý và đúng cách. Do đó, bất kỳ quyết định sử dụng thuốc giúp làm giảm đau họng nào, người bệnh cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. Tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị và thời gian sử dụng thuốc.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *