Cách chữa đau họng bằng gừng

Gừng là một loại nguyên liệu quen thuộc trong gian bếp của mỗi gia đình Việt. Tuy nhiên, gừng không chỉ được sử dụng trong nấu nướng, mà gừng còn có nhiều vai trò hữu ích giúp điều trị một số bệnh thông thường, bao gồm đau họng. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc một vài cách chữa đau họng bằng gừng hiệu quả.

1. Công dụng của gừng

Theo y học cổ truyền, thân rễ (củ) của cây gừng được sử dụng làm thuốc và được chia làm hai dạng: sinh khương (thân rễ gừng tươi) và can khương (thân rễ gừng đã phơi khô). Gừng tươi hay sinh khương thường được thu hoạch vào mùa hạ và mùa thu. Vào mùa đông, người ta đào gừng già lên, cắt bỏ phần lá và rễ con, sau đó phơi khô sẽ được can khương. Sinh khương có tác dụng phát biểu tán hàn, ôn trung, làm hết nôn, tiêu đờm, hành thuỷ giải độc. Can khương có tác dụng ôn trung tán hàn, hồi dương thông mạch. Dân gian từ xa xưa đã sử dụng gừng để điều trị các chứng cảm cúm, nhức đầu, ho, đau họng, khàn tiếng, buồn nôn,…

Từ những phân tích hoá học hiện đại, gừng có chứa tinh dầu, chất nhựa dầu, chất béo, tinh bột, chất cay như gingerols, shogaols. Trong đó, các thành phần có hoạt tính sinh học như: gingerols, shogaols, paradols (chất được tạo thành sau khi hydro hoá shogaols), tinh dầu giúp gừng có đặc tính chống viêm, chống oxy hoá và kháng khuẩn.

  • Trong một số nghiên cứu khoa học, gingerol, shogaol và các chất liên quan đến cấu trúc khác trong gừng ức chế quá trình sinh tổng hợp prostaglandin và leukotriene (hai tác nhân quan trọng trong phản ứng viêm) thông qua ức chế 5-lipoxygenase hoặc prostaglandin synthetase. Ngoài ra, chúng cũng ức chế tổng hợp cytokine gây viêm như IL-1, TNF-α và IL-8.
  • Sự hình thành màng sinh học là một phần quan trọng của nhiễm trùng và kháng kháng sinh. Một nghiên cứu đã cho ra kết quả gừng ức chế sự phát triển của chủng Pseudomonas aeruginosa đa kháng thuốc bằng ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của màng và ức chế hình thành màng sinh học. Một số loại vi khuẩn khác bị ức chế như Streptococcus mutans gây sâu răng, Streptococcus pyogenes gây viêm họng,…
  • Shogaol trong gừng đã thể hiện đặc tính chống oxy hóa trong việc loại bỏ các gốc tự do được tạo ra trong hệ thống sinh học.

Những phát hiện mới trong thành phần của gừng ở y học hiện đại kết hợp cùng với kinh nghiệm sử dụng trong y học cổ truyền đã củng cố thêm vài trò của gừng trong điều trị bệnh hiện nay.

2. Cách sử dụng gừng chữa đau họng

2.1 Chỉ sử dụng một thành phần là gừng

Với những công dụng kháng khuẩn, chống viêm, chống oxy hóa kể trên, gừng có thể giúp giảm nhanh cơn đau họng, giảm ngứa rát họng và nâng cao sức đề kháng của người bệnh.

Một số dạng dùng phổ biến của gừng:

  • Trà gừng: Một củ gừng tươi được làm sạch vỏ, rửa sạch và thái lát. Sau đó, cho gừng vào cốc nước nóng hoặc nước đang sôi, để trong vòng 5-10 phút. Nên uống khi nước còn ấm.
  • Kẹo ngậm gừng: Kẹo ngậm gừng với tác dụng tại chỗ, giúp làm dịu cơn đau. Tùy vào thành phần khác nhau kết hợp trong kẹo gừng mà nhà sản xuất đưa ra các chỉ định phù hợp khác nhau, thông thường 3-5 viên/ngày.
  • Bột gừng: Gừng tươi được sơ chế, xử lý và xay nhuyễn thành bột sẽ tạo thành bột gừng. Bột gừng có thể sử dụng hàng ngày như một loại gia vị thêm vào vị cay nóng trong bữa ăn hàng ngày.

2.2 Gừng kết hợp với mật ong

Gừng có tác dụng chống viêm, trong khi đó mật ong chứa các thành phần như: protein, vitamin, khoáng chất, acid amin, flavonoid, polyphenol,… cũng có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn. Do đó, Gừng kết hợp cùng mật ong giúp làm dịu cơn đau họng, giảm đau và giảm viêm. 

Cách pha chế gừng và mật ong như sau: Gừng cạo sạch vỏ, rửa sạch và thái lát. Nước lọc sau khi đun sôi, cho vài lát gừng vào, tiếp tục đun sôi 10 phút trong lửa nhỏ thì cho thêm một thìa cà phê mật ong. Uống hỗn hợp khi còn ấm.

2.3 Gừng kết hợp với sả

Sả có chứa các thành phần như tinh dầu (Citral α, Citral β,..), flavonoid, hợp chất phenolic, terpene, aldehyde,…có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm tương tự gừng. Kết hợp hai thành phần này giúp giảm nhanh các triệu chứng của cảm cúm, họ và đau họng.

Cách pha chế gừng và sả như sau: Gừng và sả, rửa sạch, thái lát nhỏ vừa đủ. Đun sôi nước lọc, cho gừng và sả vào đun sôi trong 3-5 phút. Uống hỗn hợp khi còn ấm.

Mặc dù gừng là thành phần từ thiên nhiên, khá quen thuộc trong mỗi bữa ăn của người Việt, nhưng sử dụng quá nhiều lượng gừng trong một thời gian dài có thể thể gây tác động không tốt đến sức khỏe. Đặc là đối với những đối tượng như: phụ nữ có thai, người bị táo bón do nhiệt, huyết áp cao, tim mạch,…nên cân nhắc tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *