Mức độ nguy hiểm của viêm thanh quản cấp

Thanh quản là cơ quan quan trọng của cơ thể, thực hiện các chức năng như: hô hấp, tạo âm thanh, ho và hắt hơi. Tổn thương ở thanh quản nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng khó hồi phục. Viêm thanh quản cấp tính có nguy hiểm hay không? Bài viết dưới đây cung cấp một số thông tin hữu ích để trả lời cho câu hỏi trên.

1. Thanh quản ở vị trí nào trong cơ thể

Thanh quản nằm ở mặt trước của cổ, tại vị trí đốt sống C3-C6 ở người trưởng thành, C2-C3 ở trẻ em, được giữ cố định bởi các cơ và dây chằng. 

Thanh quản là một đoạn sụn của đường hô hấp. Vùng trên cùng của thanh quản được nối với vùng dưới của hầu, được gọi là nắp thanh quản. Phần dưới của thanh quản nối liền với phần trên khí quản. Thanh quản thực hiện chức năng hô hấp thông qua quá trình dẫn khí và tạo ra âm thanh, tiếng nói. 


Thanh quản có sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới, người trưởng thành và trẻ nhỏ do sự phát triển khác nhau ở độ tuổi dậy thì.

2. Viêm thanh quản cấp

Viêm thanh quản là tình trạng viêm tại vị trí thanh quản, thường chia làm hai loại: viêm thanh quản cấp tính và viêm thanh quản mãn tính. Đa số trường hợp viêm thanh quản cấp tính thường kéo dài trong khoảng thời gian từ ba đến bảy ngày. 

2.1 Nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp

Viêm thanh quản cấp tính có thể là kết quả từ hai nguyên nhân: nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng.

Đối với nguyên nhân từ nhiễm trùng, các tác nhân virus như virus cúm, virus rhino, virus parainfluenza, virus adeno hoặc tác nhân vi khuẩn như streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae,…thường là nguyên nhân phổ biến gây bệnh.

Đối với nguyên nhân không nhiễm trùng, viêm thanh quản cấp có thể bắt nguồn từ thói quen hút thuốc lá, lạm dụng giọng nói, tổn thương đường hô hấp, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, dị ứng, ô nhiễm môi trường,…

Tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, viêm thanh quản cấp có các biểu hiện lâm sàng khác nhau ở người lớn và trẻ em.

2.2 Triệu chứng của viêm thanh quản cấp

Các triệu chứng ban đầu của viêm thanh quản cấp thường xuất hiện đột ngột và trầm trọng hơn sau hai đến ba ngày mắc bệnh, thông thường là:

  • Khó chịu ở họng, khô họng, đau họng. Đặc biệt là sau khi nói chuyện
  • Ho khan
  • Nuốt khó, nuốt đau
  • Giọng khàn, giọng thay đổi, giọng nói mệt, mất giọng
  • Sốt

2.3 Mức độ nguy hiểm của viêm thanh quản cấp ở người lớn và trẻ nhỏ

Đối với trẻ nhỏ

Viêm thanh quản cấp ở trẻ nhỏ thường khiến niêm mạc thanh quản bị phù nề. Điều này dẫn đến tình trạng khó thở, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Ba mẹ nên theo dõi kỹ cơn khó thở, thở rít, phập phồng cánh mũi ở trẻ, đặc biệt vào thời điểm nửa đêm sáng sớm hoặc ở những trẻ có tiền sử bệnh hen suyễn.

Triệu chứng sốt cao trong viêm thanh quản cấp thường hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, ba mẹ nên theo dõi kỹ thân nhiệt của trẻ, đặc biệt trẻ dưới một tuổi, tránh trường hợp trẻ sốt cao trên 39 độ C, dẫn đến biến chứng co giật, rối loạn điện giải, suy hô hấp, tim mạch… Sốt kéo dài dễ dẫn đến mất nước, mệt mỏi, chán ăn và làm chậm quá trình hồi phục của trẻ.

Ba mẹ nên làm gì trong trường hợp trẻ mắc viêm thanh quản cấp:

  • Bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ. Đau khi nuốt có thể khiến trẻ khó nuốt, biếng ăn. Ba mẹ có thể chia nhỏ bữa ăn hoặc chế biến các món ăn dễ hấp thu như cháo, súp
  • Giữ ấm cho trẻ, đặc biệt vùng cổ và tay chân
  • Uống nhiều nước ấm
  • Giữ môi trường nghỉ ngơi của trẻ được sạch sẽ, thông thoáng

Đối với người lớn

Viêm thanh quản cấp ở người lớn hầu như không nguy hiểm và khả năng hồi phục thường nhanh hơn so với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, một số biểu hiện có thể là dấu hiệu của tình trạng bệnh diễn tiến nguy hiểm như: khó thở tăng lên, sốt cao, mệt mỏi kéo dài, xuất huyết dưới da,…

Một số lưu ý trong trường hợp người trưởng thành mắc viêm thanh quản cấp:

  • Tránh khói bụi, thuốc lá
  • Hạn chế nói chuyện nhiều, nói liên tục trong thời gian dài hoặc nói to
  • Uống nhiều nước, hạn chế uống rượu, cafe
  • Súc miệng họng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn miệng họng

Lưu ý: Viêm thanh quản cấp có thể được điều trị bằng các loại thuốc không kê đơn. Tuy nhiên bất kỳ loại thuốc nào được sử dụng để điều trị cần được cân nhắc tư vấn từ bác sĩ hoặc những người có chuyên môn.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *