Nguyên nhân viêm thanh quản và cách điều trị hiệu quả

Viêm thanh quản là hiện tượng dây thanh quản bị viêm và sưng. Bệnh chủ yếu xảy ra do virus và một số đối tượng sử dụng giọng nói nhiều dễ mắc phải như: giáo viên, ca sĩ, MC… Chúng ta cần tìm hiểu rõ nguyên nhân viêm thanh quản để có cách điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Các nguyên nhân viêm thanh quản phổ biến

Nguyên nhân và điều kiện gây ra viêm thanh quản mãn tính và cấp tính khá phong phú và chúng có thể khác nhau:

Nguyên nhân viêm thanh quản cấp tính
  • Cũng giống như một số bệnh về đường hô hấp, viêm thanh quản cấp tính chủ yếu do sự tấn công của virus giống như những virus gây ra các bệnh cảm lạnh, cảm cúm thông thường.
  • Những người thường xuyên lạm dụng giọng nói như la hét hoặc nói và hát quá nhiều cũng có thể bị viêm thanh quản: trẻ em đùa nghịch la hét và khóc.
  • Những đối tượng bắt buộc phải sử dụng giọng nói thường xuyên như giáo viên, ca sĩ, MC, hướng dẫn viên.
  • Một số trường hợp hiếm hoi, viêm thanh quản do bệnh bạch hầu. Bạch hầu là bệnh do virus và lây lan theo đường hô hấp từ người sang người do các giọt bắn từ ho và hắt hơi. Bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên bệnh bạch hầu đã có vaccine phòng ngừa và trẻ em sau khi chào đời đều được chủng ngừa.

Nguyên nhân viêm thanh quản mãn tính

Không giống như viêm thanh quản cấp tính, nguyên nhân của viêm thanh quản mãn tính thường do một số loại vi khuẩn hoặc do các bệnh mãn tính khác gây ra như:

  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản khiến cho axit từ dạ dày đi lên cổ họng gây viêm thanh quản.
  • Do một số vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng xâm nhập vào thanh quản gây viêm và sưng.
  • Do bệnh viêm xoang mãn tính.
  • Do bệnh nhân ho nhiều, ho kéo dài.
  • Do bệnh nhân làm việc tiếp xúc với môi trường độc hại như các chất gây dị ứng, chất hóa học độc hại hoặc khói bụi ô nhiễm.
  • Do người bệnh uống quá nhiều rượu.
  • Do sử dụng giọng nói quá nhiều.
  • Do nghiện thuốc lá hoặc thường xuyên phải hít khói thuốc bị động.
  • Do lạm dụng thuốc hít steroid hay thuốc hen suyễn.

Xét nghiệm và chẩn đoán viêm thanh quản

Để xác định rõ nguyên nhân viêm thanh quản, các bác sĩ sẽ cần khám lâm sàng hệ hô hấp (tai, mũi, họng, nghe tim, phổi), xét nghiệm và chẩn đoán bệnh.

Dấu hiệu nhận biết viêm thanh quản dễ nhận thấy nhất chính là tình trạng khàn tiếng. Chính vì thế bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nói để họ lắng nghe và chẩn đoán. Ngoài ra bác sĩ sẽ tìm hiểu những thông tin có liên quan đến lối sống của bạn như nghề nghiệp, môi trường có khả năng tiếp xúc với các chất kích thích gây dị ứng không và lịch sử bệnh lý có liên quan khác.

Bác sĩ có thể sẽ nội soi thanh quản để quan sát chuyển động của các dây thanh âm khi bạn nói. Công việc này giúp xác định xem có bất kỳ polyp hoặc nốt sần nào trên thanh quản hay không. Và nếu bác sĩ cảm thấy có vùng mô nào đáng ngờ, họ sẽ đề nghị tiến hành sinh thiết.

Đối với một người bị khàn tiếng mãn tính và kéo dài, bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm đầy đủ các dây âm thanh bởi một số bệnh lý khác như ung thư cổ họng cũng gây khàn giọng mãn tính. Chính vì vậy nếu bạn có triệu chứng của viêm thanh quản và chúng kéo dài hơn 3 tuần, hãy tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tìm kiếm đúng nguyên nhân viêm thanh quản.

Phương pháp điều trị viêm thanh quản

Phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với bệnh nhân viêm thanh quản cấp tính là để cổ họng bạn được nghỉ ngơi, hạn chế nói dù là nói nhỏ. Nghe thì có vẻ phi lý nhưng nói thầm lại khiến dây thanh quản của bạn bị kéo căng và khiến cho quá trình hồi phục bị cản trở. Bạn chỉ cần chăm sóc tại nhà và sử dụng các biện pháp đơn giản để làm giảm triệu chứng.

Một số biện pháp khắc phục viêm thanh quản tại nhà
  • Hạn chế sử dụng thuốc thông mũi vì chúng khiến cổ họng bạn bị khô. Thay vào đó hãy rửa mũi bằng nước muối sinh lý vừa giúp làm sạch và thông thoáng cổ họng lại vừa giữ ẩm cho cả mũi và họng.
  • Sử dụng thêm máy phun sương tạo độ ẩm, đặc biệt khi bạn dùng điều hòa hoặc máy sưởi sẽ khiến độ ẩm không khí giảm.
  • Nếu bạn quá đau, bạn có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Nhưng tốt nhất bạn nên làm dịu cổ họng bằng các sản phẩm từ thảo dược trước khi quyết định dùng thuốc để tránh lạm dụng thuốc cũng như hạn chế tác dụng phụ. Hãy tham khảo xịt họng keo ong hoặc các loại nước ấm pha với mật ong, thảo dược…
  • Súc họng bằng nước muối ấm và nước súc miệng họng chứa chlorhexidine.
  • Uống nhiều nước ấm.
  • Tránh các môi trường khói, bụi, khói thuốc lá, các chất hóa học.
Sử dụng thuốc điều trị viêm thanh quản

Đối với các trường hợp viêm thanh quản do vi khuẩn, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc kháng sinh và thuốc corticosteroid để giảm viêm nếu tình trạng viêm thanh quản nghiêm trọng và khẩn cấp. Ví dụ như ca sĩ, diễn giả….
Bệnh viêm thanh quản mãn tính sẽ phải được điều trị tại các cơ sở y tế tùy thuộc vào nguyên nhân viêm thanh quản. Ví dụ nếu viêm thanh quản mãn tính do viêm xoang hay do trào ngược dạ dày, bạn cần điều trị bệnh viêm xoang hoặc bệnh dạ dày. Nếu bạn bị viêm thanh quản do khói thuốc lá, bạn cần ngừng hút thuốc.

Trong một số trường hợp người bệnh có các nốt sần hoặc polyp làm tổn thương dây thanh âm hoặc có khối u thì có thể sẽ phải phẫu thuật.

Phòng ngừa viêm thanh quản

Cách điều trị tốt nhất vẫn là phòng ngừa để bạn không bị viêm thanh quản. Đa phần chúng ta bị viêm thanh quản do để cổ họng, dây thanh quản bị khô, rát. Chính vì thế chúng ta cần áp dụng một số cách phòng tránh như sau:

  • Tránh nói to, la hét, hắng giọng.
  • Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ đường hô hấp trên, tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm vi khuẩn, virus truyền nhiễm.
  • Không hút thuốc lá và tránh khói thuốc.
  • Không uống nhiều rượu bia.
  • Uống ít thức uống chứa caffein vì chúng gây mất nước.
  • Thay đổi lối sống để tránh trào ngược dạ dày như: không ăn khuya, hạn chế nhai kẹo cao su và gối cao khi ngủ.
  • Rửa mũi và súc họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày.

Nguyên nhân viêm thanh quản khá nhiều nhưng bạn có thể phòng tránh được một số yếu tố nguy cơ để không làm tổn thương dây thanh âm của mình.

Bài viết liên quan: Dấu hiệu nhận biết viêm thanh quản

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *