Nguyên nhân khiến trẻ bị ho kéo dài mãi không khỏi, ba mẹ nên làm gì?

Trẻ bị ho mãi mà không khỏi mặc dù ba mẹ đã sử dụng những biện pháp chữa ho khác nhau. Ba mẹ nên xử lý như nào khi gặp phải tình huống này? Đây là câu hỏi thường gặp ở những gia đình có trẻ nhỏ. Để có được cách xử lý phù hợp, ba mẹ nên biết về những nguyên nhân khiến trẻ ho kéo dài mà chúng tôi đưa ra trong bài viết dưới đây.

Bản chất của việc trẻ bị ho là gì? 

Ho là một phản xạ giúp tống các chất dịch trong đường thở ra ngoài, làm sạch và bảo vệ đường thở khỏi các dị vật xâm nhập hoặc ho có thể là triệu chứng của bệnh. Trẻ ho lâu ngày không khỏi là tình trạng ho liên tục trên 2 tuần. Ho kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ: khiến trẻ ngủ không ngon giấc, cơ thể mệt mỏi, buồn bã, khó chịu, ảnh hưởng tới các hoạt động học tập, vui chơi,… Trong những trường hợp như vậy, ba mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ bị ho để có cách điều trị kịp thời, tránh để tình trạng kéo dài lâu hơn gây các biến chứng nguy hiểm.

Trẻ bị ho
Trẻ bị ho

Nguyên nhân và cách điều trị khi trẻ bị ho kéo dài?

Nguyên nhân gây nên tình trạng này có thể là do các chất gây kích thích từ môi trường ngoài (khói bụi, hút thuốc lá, phấn hoa,…) hoặc do các bệnh lý tại đường hô hấp gây ra, cụ thể:

1.Nguyên nhân do bệnh lý

 

Hen suyễn

Hen suyễn là bệnh lý viêm mãn tính đường hô hấp dưới. Trẻ bị suyễn có đường hô hấp nhạy cảm với các tác nhân dị ứng và các chất kích thích khác có trong không khí. Trẻ dưới 3 tuổi thường bị ho kéo dài khi bị hen phế quản. Phấn hoa, lông thú, khí thải, khói thuốc và một số thực phẩm nhất định,… có thể gây hen phế quản ở trẻ. Khi cơn hen suyễn xuất hiện trẻ thường bị ho kéo dài ,khó thở, thở rít, đau ngực,… Việc thở khò khè là triệu chứng có liên quan mật thiết tới bệnh hen suyễn không đồng nghĩa tất cả trẻ bị hen suyễn đều thở khò khè. Có thể trẻ chỉ có một dấu hiệu hoặc triệu chứng đặc trưng như ho kéo dài, tắc nghẽn ngực.

Hen suyễn ở trẻ em không thể chữa khỏi và các triệu chứng còn kéo dài tới tuổi trưởng thành. Áp dụng đúng cách giải pháp điều trị sẽ giúp kiểm soát triệu chứng bệnh suyễn và phòng ngừa tối thiểu những thiệt hại cho phổi của trẻ.

Viêm phổi 

Viêm phổi ở trẻ là tình trạng nhiễm trùng bên trong phổi do virus hoặc vi khuẩn tấn công cơ quan này và tạo ra những ổ nhiễm trùng, với các biểu hiện: ho kéo dài đến nặng tiếng, thở nhanh liên tục, sốt, mệt mỏi,…

Đối với trẻ < 5 tuổi, nguyên nhân gây viêm phổi  thường là vi khuẩn, đặc biệt là phế cầu khuẩn. Sau khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể sẽ di chuyển đến các thùy phổi và khu trú ở đây, bắt đầu quá trình phát triển, nhân lên, gây bệnh lý.

Đối với trẻ >5 tuổi, viêm phổi thường do virus gây ra. Triệu chứng của bệnh trong những trường hợp này tương tự như cảm cúm thông thường dễ khiến ba mẹ nhầm lẫn dẫn tới chậm trễ trong điều trị.

Ho gà

Đây là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên, bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ em chưa được tiêm chủng vắc-xin ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và thường biểu hiện bệnh lý nặng. Bệnh lý có thời gian ủ bệnh kéo dài 1-2 tuần, giai đoạn sớm trẻ chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ như hắt hơi, ho húng hắng nên ba mẹ thường chủ quan. Giai đoạn bệnh tiến triển nặng với biểu hiện ho thành từng cơn liên tục kéo dài thậm chí 15 cơn/ngày, khiến trẻ mệt mỏi, suy nhược cơ thể.

 Hội chứng chảy dịch mủ phía sau 

Là tình trạng dịch chảy từ hệ thống xoang qua mũi sau xuống đến thành sau họng gây ra các triệu chứng như cảm giác vướng họng, đau họng, ho, ngứa họng và thường kéo dài mãn tính. Nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh lý chảy dịch mũi phía sau là do dị ứng: dị ứng thời tiết theo mùa, dị ứng phấn hoa,…

Hầu hết các trường hợp chảy dịch mũi sau đều tự hết. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh lý kéo dài hơn 10 ngày thì ba mẹ cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ để tránh các biến chứng có thể phát sinh.

Khi nguyên nhân trẻ bị ho kéo dài do bệnh lý thường sẽ có các triệu chứng đặc hiệu của từng loại bệnh. Ba mẹ cần chú ý tới các biểu hiện, triệu chứng, nếu diễn biến nặng và kéo dài cần kịp thời đưa trẻ tới bệnh viện để có phương pháp điều trị phù hợp cho trẻ và tránh tình trạng diễn biến nghiêm trọng hơn, dẫn tới các biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng tới sự phát triển sau này của trẻ. Ngoài ra, ba mẹ cần thực hiện các biện pháp phòng tránh các bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ bằng cách:

  •     Chú ý tiêm phòng vắc xin cho trẻ, cho trẻ tiêm vắc xin cúm hoặc viêm phổi theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Tiêm vaccin cho trẻ
Tiêm vaccin cho trẻ
  •     Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ ăn khoa học, đủ chất, hình thành ở trẻ thói quen tập thể dục.
  •     Hạn chế các tác nhân dễ gây kích ứng, dị ứng như: lông thú, khói bụi, khói thuốc lá, sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, ăn đồ ăn lạnh quá nhiều.

2.Nguyên nhân không do bệnh lý

  • Bị mắc dị vật trong đường thở: trẻ sẽ có các biểu hiện như ho sặc sụa, tím tái, chảy nước mắt, nước mũi, vã mồ hôi… Trường hợp dị vật bị bỏ quên, trẻ sẽ bị ho dai dẳng và viêm phổi tái phát.                                                                       
  • Lạm dụng thuốc xịt thông mũi: khiến cho niêm mạc mũi sưng tấy, kích ứng gây xung huyết, chảy dịch sau họng và cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ ho lâu ngày nhưng không khỏi.
  • Không khí khô hoặc quá ẩm: kích thích sự phát triển của mạt bụi nhà, nấm mốc,… gây ho khan kéo dài.

Những trường hợp này, các triệu chứng chủ yếu là ho, sổ mũi,… mức độ nhẹ. Do đó ba mẹ có thể tự điều trị, chăm sóc trẻ tại nhà mà không cần dùng thuốc. Một số trường hợp đặc biệt như mắc dị vật thì cần đưa trẻ tới bệnh viện để nhận hỗ trợ của bác sĩ.

Trong quá trình chăm sóc trẻ bị ho, các mẹ cần lưu ý:

  • Cho trẻ uống nhiều nước để làm dịu họng, giảm ho, làm loãng đờm hiệu quả.

 

  • Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý 2- 3 lần/ngày.
  • Cho trẻ sử dụng một số sản phẩm có thành phần từ thảo dược, bài thuốc trị ho dân gian an toàn như tắc chưng đường, mật ong, gừng, uống nước trà ấm loãng,…

Nếu cần dùng thuốc ho cho trẻ, phụ huynh cần cho trẻ đi khám và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc ho:

  • Chỉ nên dùng thuốc cho phù hợp với lứa tuổi và tính chất cơn ho của trẻ.
  • Không tự ý cho trẻ dùng các loại thuốc ho dành cho người lớn để tránh tác dụng phụ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *