Nguyên nhân viêm họng và cách điều trị

Viêm họng là tình trạng cổ họng bạn bị ngứa, đau, rát, đặc biệt khi bạn nuốt. Nguyên nhân viêm họng chủ yếu do virus (cảm lạnh hoặc cảm cúm) và vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên viêm họng do virus thường không cần dùng thuốc và sẽ tự khỏi, còn viêm họng do liên cầu khuẩn cần uống thuốc kháng sinh để tránh biến chứng. Ngoài ra còn một số nguyên nhân viêm họng khác ít phổ biến hơn.

Triệu chứng của viêm họng

Biểu hiện của người bệnh sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân viêm họng. Một số triệu chứng của viêm họng như:

  • Cổ họng bị đau và rát, khó nuốt và khó nói.
  • Ngứa cổ họng dẫn đến ho thường xuyên, đặc biệt khi ngủ.
  • Sưng và đau hạch bạch huyết ở cổ hoặc hàm.
  • Sưng amidan, amidan có màu đỏ.
  • Amidan có thể xuất hiện mủ hoặc mảng màu trắng.
  • Giọng nói thay đổi: mất giọng, khản giọng…
  • Viêm họng do nhiễm trùng có thể khiến bệnh nhân bị sốt kèm theo sổ mũi, hắt hơi, ho nhiều, đau nhức cơ thể, đau đầu.
  • Bệnh nhân ngứa họng, ho nhiều có thể bị buồn nôn.

Khi nào bạn cần tới gặp bác sĩ

Đối với trẻ em: nếu hiện tượng đau rát họng không biến mất sau một ngày thì bạn nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ để được khám xét và điều trị đúng cách. Tuy nhiên bạn cần lưu ý một số tình trạng khẩn cấp cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất như: trẻ bị khó thở, khó nuốt, dãi chảy nhiều do không có khả năng nuốt.

Đối với người lớn: viêm họng do virus sẽ tự khỏi, tuy nhiên hiện tượng bội nhiễm vẫn có thể xảy ra và gây biến chứng cho hệ hô hấp. Chính vì thế bạn cần tới gặp bác sĩ khi: cổ họng đau đớn không giảm và kéo dài hơn một tuần, khó nuốt, khó thở, miệng khô, đau khớp, đau tai, phát ban,sốt cao hơn 38,5 độ C, có máu trong đờm hoặc nước bọt, ho nhiều, khàn giọng kéo dài, cổ hoặc mặt bị sưng…

Nguyên nhân viêm họng

Nguyên nhân viêm họng phổ biến vẫn là bởi virus cảm lạnh hoặc cảm cúm gây ra. Số còn lại là do nhiễm trùng bởi vi khuẩn hoặc một số tình trạng bệnh lý khác ít gặp.

  • Một số bệnh gây ra viêm họng do virus như: cảm lạnh, cảm cúm, tăng bạch cầu đơn nhân, sởi, thủy đậu, covid-19, viêm thanh khí phế quản cấp.
  • Một số bệnh do nhiễm khuẩn gây ra viêm họng như: bệnh liên cầu nhóm A (Streptococcus pyogenes).
Một số nguyên nhân viêm họng khác
  • Dị ứng: nếu bạn có cơ địa dị ứng bạn có thể sẽ bị ho khi tiếp xúc với lông chó mèo, nấm mốc hoặc phấn hoa (đặc biệt vào mùa xuân). Dị ứng còn có thể khiến bạn bị hắt hơi, chảy mũi và viêm họng.
  • Không khí khô hanh: nguyên nhân viêm họng nữa chính là không khí có độ ẩm thấp. Không khí khô hanh khiến bạn cảm thấy ngứa cổ và muốn ho. Bạn ho khan nhiều sẽ gây tổn thương cổ họng, dẫn đến viêm và đau. Việc sử dụng điều hòa không khí, máy sưởi cũng là nguyên nhân làm cho không khí trong nhà khô hơn. Chính vì thế bạn nên dùng thêm máy tạo độ ẩm để giúp làm ẩm không khí, tránh để mũi họng bị khô gây ra các bệnh về đường hô hấp.
  • Chất kích ứng: khói bụi ngoài trời và trong nhà cũng như khói thuốc lá hoặc các hóa chất độc hại cũng là nguyên nhân viêm họng. Uống rượu bia nhiều, hút thuốc lá, ăn đồ cay nóng cũng là những nguyên nhân viêm họng khá phổ biến.
  • Căng cơ họng: khi bạn nói quá to hoặc quá nhiều đều có thể khiến cơ cổ họng bị căng dễ gây đau rát và viêm.
  • Trào ngược dạ dày: nhiều người không nhận ra rằng nguyên nhân viêm họng của họ là do bệnh dạ dày. Hiện tượng axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản cũng làm ảnh hưởng đến cổ họng và gây ho. Nếu bạn bị bệnh về dạ dày, bạn có thể kèm theo một số triệu chứng như: ợ chua, khàn tiếng…
  • Nhiễm HIV: HIV là bệnh do suy giảm hệ miễn dịch. Chính vì thế bệnh nhân HIV cũng dễ dàng bị viêm họng và cảm cúm.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm họng

Viêm họng là bệnh dễ mắc phải, đôi khi chỉ cần thời tiết thay đổi cũng khiến bạn bị ho kéo dài. Tuy nhiên, một số yếu tố dưới đây sẽ làm tăng nguy cơ viêm họng của bạn:

  • Tuổi tác: trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ bị viêm họng do sức đề kháng còn kém.
  • Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc thường xuyên dễ bị kích ứng cổ họng.
  • Có cơ địa dị ứng.
  • Làm việc trong môi trường khói bụi, ô nhiễm hoặc tiếp xúc với hóa chất.
  • Bị viêm xoang mãn tính. Dịch từ mũi chảy xuống họng sẽ khiến cổ họng bị nhiễm trùng.
  • Trong môi trường tập trung dễ lây lan và phát tán virus.
  • Hệ miễn dịch suy yếu sẽ khiến bạn dễ bị nhiễm trùng.

Phòng ngừa viêm họng

Nguyên nhân viêm họng chủ yếu do virus và vi khuẩn nên muốn phòng ngừa bệnh chúng ta cần ngăn chặn con đường xâm nhập của virus và vi khuẩn đến cơ thể. Chúng ta cần giữ vệ sinh cho bản thân, người thân và gia đình luôn sạch sẽ bằng cách:

  • Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi hắt hơi, ho.
  • Hạn chế đưa tay lên mặt, mắt, mũi, miệng.
  • Hạn chế sử dụng chung đồ dùng cá nhân, bát, cốc.
  • Khi ho và hắt hơi nên dùng tay che miệng và sau đó rửa tay sạch sẽ.
  • Nếu không có xà phòng, bạn có thể dùng dung dịch rửa tay khô.
  • Không dùng miệng để uống nước tại vòi nước công cộng.
  • Vệ sinh khử trùng điện thoại, tay nắm cửa, công tắc đèn, điều khiển từ xa, bàn phím để tránh vi khuẩn và virus.
  • Hạn chế tiếp xúc gần người có triệu chứng cảm cúm hoặc cảm lạnh.

Chẩn đoán viêm họng

Khi bạn hoặc người thân bị ho nhiều ngày, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh viêm họng bằng cách:

  • Hỏi vệ lịch sử bệnh lý.
  • Dùng đèn và dụng cụ chuyên dụng để kiểm tra cổ họng của bạn. Cần thiết bác sĩ sẽ nội soi tai, mũi, họng để có kết quả chính xác.
  • Kiểm tra các hạch bạch huyết.
  • Kiểm tra tim phổi bằng ống nghe.
  • Trong một số trường hợp cần xác định loại virus hoặc vi khuẩn gây viêm họng, bác sĩ sẽ ngoáy họng để lấy mẫu xét nghiệm.

Điều trị viêm họng

  • Điều trị viêm họng do virus

Viêm họng do virus thường sẽ tự khỏi sau 5 – 7 ngày mà không cần sử dụng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, bạn nên dùng một số thuốc giúp giảm triệu chứng đau rát cổ họng hoặc thuốc hạ sốt. Bạn có thể sử dụng một số sản phẩm giảm đau, ngứa rát họng hiệu quả như siro ho từ thảo dược, xịt họng keo ong, viên ngậm ho…có thể khiến cổ họng bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

  • Điều trị viêm họng do vi khuẩn

Nếu bạn hoặc người thân bị viêm họng do vi khuẩn thì bác sĩ sẽ kê kháng sinh. Tuy nhiên người bệnh cần uống đủ liều hay cả khi không còn triệu chứng để tránh tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Bài viết có liên quan: Điểm danh các nguyên nhân viêm họng hạt có thể bạn chưa biết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *