Nhiệt miệng ở trẻ là tình trạng viêm loét niêm mạc miệng và gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhiệt miệng khiến cho trẻ ăn uống không ngon miệng, thường xuyên quấy khóc, nếu để lâu dài có thể dẫn đến tình trạng chán ăn, sụt cân và thể trạng suy giảm. Khi trẻ bị nhiệt miệng ba mẹ nên làm gì? Hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây về cách chăm sóc trẻ bị nhiệt miệng.
1.Nguyên nhân khiến trẻ bị nhiệt miệng.
Một số nguyên nhân thường gặp khiến trả bị nhiệt miệng như:
- Trẻ bị vật cứng (bàn chải đánh răng, vật nhọn như đũa, dĩa, xương,…) hoặc vô tình cắn vào bên trong môi hoặc má, dẫn đến rách niêm mạc trong khoang miệng.
- Trẻ bị suy giảm miễn dịch do căng thẳng, bệnh tật hoặc thiếu hụt các loại vitamin và khoáng chất cần thiết như vitamin A, vitamin C, vitamin D, kẽm, sắt,….tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công.
- Trẻ ăn quá nhiều chất béo, đồ cay, nóng,… gây nóng trong người.
- Trẻ bị nhiễm một số loại vi khuẩn và nấm, làm mất cân bằng sinh học trong cơ thể.
- Trẻ bị các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm chân răng, viêm nướu lợi,… có thể khiến trẻ bị nhiệt miệng.
2.Chăm sóc và xử lý như thế nào khi trẻ bị nhiệt miệng?
2.1 Thực phẩm nào nên sử dụng trong bữa ăn khi trẻ bị nhiệt miệng?
Lựa chọn thực phẩm dễ ăn, không ăn đồ cay nóng
Ba mẹ nên lựa chọn những thực phẩm mềm, dễ hấp thu như cháo, súp,…. nêm nếm nhẹ nhàng nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Nếu trẻ thấy đau, quấy khóc không chịu ăn thì ba mẹ không nên bắt ép trẻ ăn một cách tiêu cực. Điều này sẽ khiến trẻ sợ hãi, có những cảm xúc không tốt và ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa thức ăn. Ba mẹ có thể chia bữa ăn trong ngày của trẻ thành nhiều bữa ăn nhỏ ở thời điểm khác nhau và cho trẻ ăn từ từ đến khi trẻ không muốn ăn nữa thì dừng. Những đồ ăn cay nóng nên được hạn chế cho trẻ ăn trong thời gian này.
Bổ sung nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng
Thiếu hụt các vitamin cần thiết như Vitamin C, B3, B2,… dẫn tới cơ thể trẻ giảm sức đề kháng, dễ bị viêm lợi, nhiệt miệng, rối loạn tiêu hóa. Ba mẹ có thể bổ sung các loại vitamin thiết yếu cho trẻ qua các loại thực phẩm, đồ uống như:
– Vitamin C: chanh, dâu tây, kiwi, cà chua, đu đủ, ổi, các loại rau xanh.
– Vitamin B3: ngũ cốc (gạo, đậu, mè, vừng,..), thịt, cá.
– Vitamin B2: thịt bò, sữa đậu nành, hạnh nhân, dầu mè, cá thu,…
Các loại rau xanh, ngũ cốc, thịt, cá,.. ba mẹ nên xay nhuyễn nấu cùng với cháo giúp trẻ hấp thu tốt hơn. Đối với trẻ từ một tuổi trở lên, ba mẹ cho trẻ uống các loại nước ép cam, cà chua, ổi, dưa hấu,… hằng ngày để bổ sung vitamin. Luân phiên thay đổi các loại thức uống hoa quả khác nhau theo mùa vừa giúp trẻ không bị nhàm chán trong bữa ăn, đồng thời giúp cho trẻ hấp thu được nhiều nguồn dinh dưỡng khác nhau nhiều hơn.
Đối với trẻ đang trong thời kỳ bú sữa mẹ, nên ưu tiên cho trẻ dùng sữa mẹ thay vì các loại sữa thay thế khác. Trong sữa mẹ có có đầy đủ các chất dinh dưỡng: Chất béo, chất đạm, carbohydrate, vitamin và khoáng chất,…Nguồn năng lượng hàng ngày của trẻ được cung cấp khoảng 50% là từ chất béo có trong sữa mẹ. Đặc biệt trong sữa mẹ có kháng thể thụ động, giúp trẻ chống lại các tác nhân vi khuẩn gây bệnh, trong đó có nhiệt miệng.
2.2 Một số cách xử lý khi trẻ bị nhiệt miệng
Sử dụng mật ong
Khi trẻ bị nhiệt miệng, ba mẹ có thể dùng tăm bông chấm nhẹ nhàng 1 lớp mật ong mỏng lên vết loét, với tần suất 2-3 lần/ ngày. Trong mật ong có chứa hơn 500 hợp chất như: flavonoid, hợp chất phenolic, polyphenol, terpenes, terpenoid, coumarin, steroid, axit amin, giúp kháng khuẩn và thúc đẩy quá trình lành vết thương nhờ vào khả năng tái tạo mô hiệu quả. Ngoài ra mật ong chứa nhiều chất dinh dưỡng như kẽm, sắt, kali,… giúp tăng sức đề kháng và ngăn ngừa nhiệt miệng tái phát. Tuy nhiên, ba mẹ cần lưu ý rằng trẻ dưới 1 tuổi không được dùng mật ong sống mà cần phải hấp chín trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.
Sử dụng bột sắn dây
Theo Đông y, bột sắn dây là loại bột có tính bình, vị ngọt cay, thường được dùng để thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể. Nhờ những đặc tính tự nhiên này, bột sắn dây thường được sử dụng nhiều trong dân gian để chữa nhiệt miệng. Ba mẹ có thể cho trẻ sử dụng bột sắn dây, tốt nhất là nấu chín bột sắn dây trước khi cho trẻ ăn để dễ tiêu hóa.
Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc trẻ bị nhiệt miệng, ba mẹ cần phải thường xuyên vệ sinh răng miệng cho trẻ sạch sẽ và hướng dẫn trẻ súc miệng bằng nước muối 2-3 lần/ ngày để ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn. Cho bé uống đủ nước, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý đồng thời tránh để trẻ mệt mỏi, quấy khóc, cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng tới quá trình hồi phục của trẻ.
Lời kết: Trên đây là một vài chia sẻ của chúng tôi với mong muốn giúp ba mẹ có phương pháp chăm trẻ bị nhiệt miệng đúng cách. Ba mẹ có thể tham khảo thêm sản phẩm xịt keo ong Propobee với thành phần từ tự nhiên, có tác dụng làm giảm tình trạng viêm loét, đau rát do nhiệt miệng, đẩy nhanh quá trình liền vết thương và an toàn cho trẻ nhỏ.