Thu đến, thời điểm giao mùa bắt đầu, cũng là lúc trẻ nhỏ dễ gặp phải những vấn đề về hô hấp. Viêm họng là cái tên thường được nhắc đến nhiều hơn cả.
Nguyên nhân gây viêm họng là gì?
-
Tác nhân từ môi trường
Từ môi trường sống và sinh hoạt, trẻ nhỏ dễ bị tiếp xúc với các loại virus như: adenovirus, virus Epstein-Barr, virus herpes simplex, virus cúm, rhinovirus, coronavirus,streptococcus … đây là những loại có khả năng gây viêm họng cao.
Thêm vào đó, môi trường sống bị ô nhiễm như: ở các khu công nghiệp hay nhà xưởng xả khí thải,…dễ khiến trẻ nhỏ không chỉ viêm họng mà còn gặp phải các vấn đề về hô hấp phổ biến khác.
-
Thói quen sinh hoạt hàng ngày
Thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn, đặc biệt vào mùa hè nắng nóng, sử dụng điều hòa, quạt điện,…là những cách giải tỏa cơn nóng nực hiệu quả. Tuy nhiên, việc để nhiệt độ trong phòng quá thấp,tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ môi trường điều hòa và bên ngoài quá lớn sự thay đổi môi trường đột ngột khi đi ra vào phòng sẽ khiến trẻ nhỏ dễ bị mắc bệnh.
-
Khói thuốc lá
Khói thuốc lá chứa nicotine, khí CO, chất độc, chất gây ung thư,…Trẻ nhỏ hít phải khói thuốc lá một cách thụ động từ phụ huynh hoặc người xung quanh ở nhà hay khi đến nơi công cộng, cũng dẫn đến kích ứng đường hô hấp của các em.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác có thể khiến họng của các em bị tổn thương như: tiếp xúc với lông chó mèo, phấn hoa, ăn uống đồ ăn cay nóng hoặc quá lạnh,…..
Cách phòng tránh viêm họng ở trẻ nhỏ
-
Tăng cường miễn dịch
Tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ bằng cách bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết như: vitamin A, B, C, D, E, K, sắt, kẽm, calci,…Các loại vitamin và khoáng chất này có thể được bổ sung từ nguồn thực phẩm ăn uống hàng ngày hoặc các sản phẩm dạng uống tổng hợp. Thời điểm sử dụng mỗi loại vitamin là khác nhau để có được hiệu quả tối ưu, ba mẹ nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi cho trẻ sử dụng các sản phẩm dạng uống tổng hợp.
-
Rửa tay đúng cách
Hướng dẫn trẻ nhỏ rửa tay đúng cách mỗi ngày trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chạm vào vật nuôi trong gia đình,…Rửa tay với nước và xà phòng trong thời gian trung bình từ 20-30 giây để đạt được hiệu quả loại bỏ vết bẩn và vi khuẩn gây hại.
-
Đeo khẩu trang trong môi trường dễ lây bệnh
Hạn chế tiếp xúc với người đang có biểu hiện bệnh lý đường hô hấp như ho và hắt hơi. Lưu ý đeo khẩu trang cho trẻ ở những nơi đông người, bệnh viện hoặc khi tiếp xúc với người khác, đặc biệt là những người đang bị bệnh.
Đeo khẩu trang đúng cách là được che kín vùng miệng và mũi. Đối với khẩu trang y tế dùng 1 lần, không nên tái sử dụng nhiều lần. Khẩu trang vải hoặc các loại khác nên được vệ sinh sạch sẽ trước khi cho trẻ sử dụng ở lần tiếp theo.
-
Tiêm vaccine
Tiêm vaccin là đưa vào cơ thể liều thấp kháng nguyên, từ đó hệ miễn dịch của cơ thể trẻ hoạt động chống lại tác nhân gây bệnh này, đồng thời trẻ cũng xây dựng bộ nhớ của hệ miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh một cách nhanh chóng cho những lần tiếp xúc về sau. Trẻ nhỏ nên được tiêm phòng vaccine theo đúng lộ trình được khuyến cáo của Bộ y tế, điều này giúp nâng cao khả năng tự phòng bệnh của trẻ.
-
Sử dụng bàn chải đánh răng hợp lý
Đối với những trẻ đã biết cách sử dụng bàn chải đánh răng, nên thay bàn chải sau khi trẻ hết bị viêm họng, để tránh tình trạng tái nhiễm xảy ra.
Thông thường, bàn chải đánh răng nên được thay mới sau ba tháng sử dụng. Điều này giúp hạn chế tích tụ vi khuẩn gây hại trên bề mặt bàn chải, đồng thời sau khi sử dụng bàn chải một thời gian, bề mặt sợi lông chải đã bị mài mòn có thể dễ gây tổn thương răng lợi khi tiếp tục sử dụng kéo dài.
Do trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu nên các em rất dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Theo dõi và xây dựng thói quen sinh hoạt tốt là một biện pháp phòng tránh viêm họng hiệu quả cho các em.