Ho ngứa cổ có thể là kết quả từ những nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân đơn giản nhất là dị ứng hoặc nhiễm trùng, nhưng nếu bạn có cơn ho ngứa cổ họng kéo dài mãi không khỏi, rất có thể bạn đã gặp phải những bệnh lý nghiêm trọng hơn. Tìm hiểu về bệnh lý có thể xuất hiện biểu hiện ho ngứa cổ họng kéo dài để lựa chọn cách chữa trị phù hợp cho tình trạng này.
Ho ngứa cổ họng trong trường hợp cấp tính thường diễn trong khoảng mười ngày, nếu cơn ho ngứa cổ họng của bạn kéo dài hơn từ tám tuần trở lên, thì khả năng bạn đã bị ho mãn tính.
Một số bệnh lý có thể dẫn đến tình trạng ho ngứa cổ họng kéo dài, đó là:
1. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản, acid dạ dày thay vì di chuyển vào dạ dày để thực hiện chức năng tiêu hóa thức ăn, thì acid này lại di chuyển lên vùng thực quản. Acid trào ngược gây kích ứng đường hô hấp dẫn đến tình trạng ho ngứa cổ họng. Bên cạnh triệu chứng ho ngứa cổ, ợ nóng và đau ngực là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Lối sống khoa học là chìa khóa để giảm bớt các triệu chứng khó chịu của bệnh lý này. Đồng thời, hạn chế các loại thực phẩm làm tăng trào ngược acid, như: rượu, chất béo, socola, trái cây có tính acid,…Một lưu ý đối với những người thường xuyên hút thuốc lá, đó là cần hạn chế hút thuốc hoặc tốt hơn nên bỏ hút thuốc lá.
2. Bệnh hen suyễn
Hen suyễn là tình trạng các cơ xung quanh đường thở bị thắt chặt, các lớp lót đường thở sưng tấy, đồng thời các tế bào trong đường thở tiết ra chất nhầy dày đặc. Khi cơ thể hô hấp đưa khí vào những khu vực đường thở bị hạn chế này sẽ xuất hiện tình trạng ho.
Hen suyễn là bệnh mãn tính của đường hô hấp, khi gặp phải những tác nhân kích thích từ bên ngoài, dẫn đến tình trạng ho ngứa cổ họng kéo dài mãi không khỏi. Các tác nhân kích thích này có thể từ thời tiết, khói thuốc lá, khói bụi, các loại thuốc, dị ứng, nhiễm trùng, cảm xúc,…
Nếu tình trạng ho ngứa cổ của bạn là do hen suyễn gây nên thì điều trị hen suyễn là cách để giảm bớt triệu chứng này. Thông thường, tùy vào tình trạng của mỗi cá thể, bác sĩ điều trị sẽ lựa chọn các loại thuốc glucocorticoid dạng hít để giảm viêm hoặc thuốc giãn phế quản dạng hít,… để điều trị bệnh lý này.
3. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tên gọi chung của một nhóm bệnh lý, bao gồm: khí phế thũng, viêm phế quản mãn tính và hen suyễn tắc nghẽn mãn tính. Tắc nghẽn trong quá trình đưa không khí vào ra khỏi phổi dẫn đến triệu chứng ho. Bên cạnh triệu chứng ho, COPD còn xuất hiện các triệu chứng khác như khó thở, sinh đờm.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là do hút thuốc, một số ít trường hợp khác là do ô nhiễm môi trường, di truyền hoặc các nguyên nhân khác.
Để điều trị COPD, bác sĩ có thể cân nhắc lựa chọn các loại thuốc steroid dạng hít hoặc uống tùy vào tình của người bệnh với mục đích kiểm soát tốt các triệu chứng.
4. Ung thư phổi
Mặc dù ung thư phổi không phải là bệnh lý đứng đầu trong danh sách các bệnh được nêu trong danh sách này, đây lại là một trong những lý do bạn cần kiểm tra khi đã loại trừ các bệnh lý kể trên.
Hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, chỉ khoảng 10-15% trường hợp còn lại là những người mắc bệnh mà chưa từng hút thuốc.
Khi khối u hình thành tại phổi, các khối u này sẽ kích ứng các thụ thể hình thành phản xạ ho.
Phương pháp điều trị ung thư phổi phụ thuộc vào kích thước và vị trí khối u. Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và thuốc là những phương pháp đang được sử dụng hiện nay để điều trị bệnh lý này.
Nếu bạn bị ho ngứa cổ họng kéo dài, bạn nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị kịp thời. Bạn nên lưu ý nếu triệu chứng bệnh lý trở nên nghiêm trong hơn, xuất hiện các triệu chứng khó thở, sốt hoặc ho ra máu bên cạnh triệu chứng ho ngứa cổ, bạn cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Xem thêm: 5 Cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà an toàn, hiệu quả cho cả trẻ em và người lớn tại đây.