Ho ngứa cổ không phải là triệu chứng nghiêm trọng nhưng lại ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống và công việc của người bệnh. Một tiếng ho do ngứa cổ cũng có thể vô tình làm gián đoạn cuộc trò chuyện, giảm khả năng tập trung của người nghe hay phá vỡ bầu không khí yên tĩnh. Cùng tìm hiểu về các cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà an toàn, hiệu quả cho cả trẻ em và người lớn qua bài viết sau đây.
Có rất nhiều cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà, tuy nhiên trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu cùng bạn đọc 5 cách trị ho do ngứa cổ họng mà bạn không nên bỏ qua.
1. Mật ong
Cách sử dụng mật ong đơn giản nhất là pha mật ong cùng nước ấm rồi sử dụng hằng ngày. Mật ong kết hợp cùng các nguyên liệu khác cũng có thể làm tăng thêm tác dụng trị ho ngứa cổ như: chanh, gừng,…
Dextromethorphan được biết đến là một hoạt chất được sử dụng nhiều trong các loại thuốc tây y có tác dụng giảm ho. Năm 2021, một nghiên cứu đã đưa ra đánh giá mật ong có hiệu quả giảm ho tương đương dextromethorphan trong việc làm dịu cơn ho ở trẻ em.
2. Trà hoa cúc
Bên cạnh tác dụng an thần, cải thiện giấc ngủ thì trà hoa cúc từ lâu cũng được nằm trong danh sách các cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà hiệu quả. Tác dụng giảm ho ngứa cổ này của trà hoa cúc có được là do trong trà hoa cúc có sẵn các đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và làm lành vết thương. Thêm vào đó, uống trà hoa cúc mỗi ngày cũng là một cách để bạn tăng cường hệ thống miễn dịch, chống lại tác nhân gây nhiễm trùng.
3. Bạc hà
Bạc hà là một loại rau không còn xa lạ các bữa ăn của người Việt. Bạc hà với vị tê, hơi cay nhẹ và nổi bật với khả năng làm thơm hơi thở. Ngoài ra, Bạc hà ngày nay còn được biết đến với đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và kháng virus.
Nổi bật trong số các thành phần của bạc hà là menthol, thành phần này giúp làm loãng chất nhầy và dịu cơn ho hiệu quả.
Ngoài cách sử dụng bạc hà như một loại rau sử dụng trong bữa ăn, bạc hà còn có thể dùng bằng cách pha trà uống hoặc sản phẩm dạng xịt họng tại chỗ có chứa tinh dầu bạc hà.
Lá bạc hà tươi sau khi rửa sạch thì phơi khô rồi sử dụng hàng ngày. Đun sôi nước, cho một ít lá bạc hà khô vào trong nước đang sôi, để lửa nhỏ đun trong vài phút là có thể sử dụng được.
Tinh dầu bạc hà thường kết hợp với các thành phần tự nhiên khác như xạ can, kim ngân hoa,… trong các chế phẩm xịt giảm ho tại chỗ giúp làm tăng tác dụng giảm ho.
4. Tỏi
Tỏi là một trong những nguyên liệu có khả năng kháng khuẩn tốt trong tự nhiên. Allicin trong tỏi được biết đến với công dụng kháng virus và chống lại các bệnh nhiễm trùng do virus. Từ những ưu điểm sẵn có này, tỏi được xem là một cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà bạn không thể bỏ qua.
Thêm tỏi vào chế độ ăn hằng ngày là một cách để bảo vệ đường hô hấp của bạn tránh xa những tác nhân gây nhiễm trùng.
Nếu trong trường hợp bạn đang bị ho ngứa cổ, hãy thử ngậm hoặc nhai một tép tỏi. Nếu mùi vị của tỏi lưu lại khiến cho bạn không thoải mái, bạn có thể đánh răng hoặc sử dụng xịt họng để cải thiện hơi thở sau khi sử dụng tỏi.
5. Nước muối
Pha muối trong nước ấm, sau đó súc miệng bằng hỗn hợp này hằng ngày có thể giúp làm dịu cơ đau họng và loại bỏ bớt vi khuẩn ra khỏi cổ họng.
Mỗi ngày, bạn pha nửa thìa cà phê muối vào một cốc nước ấm đầy. Bạn nên pha một lượng vừa đủ dùng trong ngày. Súc miệng bằng nước muối cũng có thể giúp giảm sưng và giữ cho cổ họng được thông thoáng.
Bên cạnh những cách trị ho ngứa cổ họng tại nhà đơn giản kể trên, người bệnh cũng cần chú ý hạn chế nói to, nói nhiều, tránh cho cổ họng phải hoạt động quá nhiều và nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể nhanh hồi phục.