Ho ngứa cổ thường gây nên những khó chịu và bất tiện cho người bệnh trong cuộc sống hằng ngày. Có những nguyên liệu đơn giản tại nhà được sử dụng để cắt cơn ho ngứa cổ mà bạn không ngờ đến. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cùng bạn đọc 3 nguyên liệu quen thuộc trong danh sách này.
1. Nguyên nhân gây ho ngứa cổ thường gặp
Tình trạng chung của người bệnh gặp cơn ho ngứa cổ là những cơ ho khan kéo dài kèm triệu chứng ngứa ở cổ họng. Nguyên nhân bắt nguồn của những cơn ho ngứa cổ này có thể là:
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Acid dạ dày thường xuyên trào ngược lên thực quản – đây là cơ quan nối tiếp giữa miệng và dạ dày. Khi acid dạ dày trào ngược lên, kích thích thực quản và hình thành nên phản xạ ho. Ngoài triệu chứng ho, ngứa họng hay nóng ở cổ họng, bệnh trào ngược dạ dày còn có các triệu chứng khác như: đau ngực, khó nuốt, hơi thở có mùi, khàn giọng,…
- Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa hoặc khi thời tiết thay đổi thất thường. Đối với những người có cơ địa dễ bị dị ứng khi gặp các tác nhân bên ngoài như phấn hoa, lông chó mèo, khói thuốc lá,… cũng thường xuất hiện tình trạng bị viêm mũi dị ứng. Ngoài triệu chứng ho ngứa cổ họng, viêm mũi dị ứng còn có thêm các biểu hiện khác như: chảy nước mắt, nước mũi, ngứa mắt, đau họng,…
- Nhiễm trùng (do vi khuẩn hoặc virus)
Khi cơ thể bạn bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus gây bệnh, các tác nhân này sẽ gây kích thích đường hô hấp hình thành phản xạ ho. Ho ngứa cổ cũng là một trong những triệu chứng do nhiễm trùng gây nên.
- Dị ứng với thuốc
Các loại thuốc kháng sinh như penicillin, amoxicillin,… hoặc bất kỳ một loại thuốc nào khác khi người bệnh sử dụng cũng đều tiềm ẩn khả năng gây ra phản ứng dị ứng. Biểu hiện của dị ứng thuốc như là : nổi mẩn đỏ, ngứa, ho, ngứa cổ họng, tiêu chảy, …
- Hen suyễn
Hen suyễn là tình trạng tế bào niêm mạc đường hô hấp bị sưng lên khiến cho đường thẻ trở nên hẹp lại. Ho ngứa cổ là một trong những triệu chứng của bệnh này. Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng khác như: thở khò khè, hụt hơi, tức ngực, khó ngủ,…
- Môi trường ô nhiễm
Mặc dù ô nhiễm môi trường là nguyên nhân hiếm gặp hơn khiến bạn bị ngứa cổ và ho tuy nhiên, những yếu tố trong môi trường ô nhiễm cũng gây kích thích đường hô hấp. Các yếu tố này có thể kể đến như: nấm mốc, khói bụi, khí thải, chất hóa học (sulfur dioxide hoặc oxit nitric),… cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.
2. Cắt cơn ho ngứa cổ cùng với 3 nguyên liệu quen thuộc
1. Nước muối
Bên cạnh thói quen đánh răng hàng ngày, người bệnh nên bổ sung thêm bước súc miệng họng vào chu trình vệ sinh răng miệng. Sử dụng nước muối súc miệng họng giúp bạn loại bỏ virus, vi khuẩn bám trong khoang miệng. Ngoài nước muối súc miệng họng, bạn cũng có thể sử dụng các loại nước súc miệng họng có thành phần như: chlorhexidine, cetylpyridinium chloride,… cũng đem lại tác dụng này.
2. Mật ong
Mật ong từ xưa đến nay vẫn được xem là một phương thuốc để chữa ho hiệu quả trong dân gian. Mật ong có vị ngọt dễ chịu giúp làm dịu cơn ho, đồng thời trong mật ong có chứa thành phần chống oxy hóa, kháng khuẩn giúp loại bỏ tác nhân gây ho. Để cắt cơn ho ngứa cổ, người bệnh có thể sử dụng một mình mật ong pha uống hàng ngày hoặc pha chế cùng với các nguyên liệu khác như: mật ong và gừng, mật ong và chanh….
3. Chanh
Một cốc nước chanh ấm có thể giúp làm dịu lại cơn ho ngứa cổ một cách nhanh chóng. Nước chanh ấm không chỉ có tác dụng làm dịu cổ họng mà acid trong chanh có có tác dụng sát khuẩn, tiêu viêm. Chanh cũng chứa nhiều vitamin C, giúp người bệnh tăng cường hệ miễn dịch để chống lại virus gây bệnh.
Ngoài ba nguyên liệu quen thuộc đơn giản giúp cắt cơn ho ngứa cổ kể trên, bạn đọc có thể tham khảo thêm những cách trị ho tại nhà hiệu quả khác tại đây.